Du khách xa gần không ai là không tỏ cái tên làng Phú Đa xưa
(xã Quỳnh Bảng bây giờ) như một địa chỉ văn hóa lễ hội và vùng du lịch sinh
thái hứa hẹn giàu tiềm năng, là mảnh đất đầy triển vọng tốt đẹp cho các dự án đầu
tư.
Tổng diện tích tự nhiên 1.108 ha, với 2.305 hộ gồm 11.291
khẩu, phía đông giáp biển dài 3,5km, nằm ở trung tâm của vùng Bãi Ngang từ Lạch
Cờn vào Lạch Quèn dài 10 km, Quỳnh Bảng nổi lên như một trầm tích cần được khám
phá.
Đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình
với nước biển xanh trong, song vỗ vào những bãi đá tung bọt trắng xóa. Cảnh đẹp
nơi đây là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân. Hàng năm, biển Quỳnh Bảng
thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước về tắm và nghỉ dưỡng. Một khu
vực núi đá Quy Lĩnh hiên ngang trước biển, từng có một đường hầm đi sâu vào
lòng núi, ôm trọn những điều bí ẩn với những cảnh quan tự nhiên mà thiên nhiên
ban tặng, gợi trí tò mò của du khách. Cũng tại khu vực này, cách đây gần 40 năm(ngày
3/2/1966) nhân dân Quỳnh Bảng đã tổ chức bắt giặc lái máy bay Mỹ. Cùng với
nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1995 Quỳnh Bảng
vinh dự được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân.
Quỳnh Bảng còn là vùng đất có dấu chân người trên ngàn năm
lịch sử, có nhiều người phò các ông vua nhà Lý, nhà Lê (Lê Lợi) đánh giặc ngoại
xâm, rồi được cử ở lại nuôi dưỡng thương binh, chiêu dân lập ấp, cùng dân khai khẩn
đất hoang, mở mang bờ cõi. Khi qua đời được nhân dân xây mộ và lập đền thờ như
Đô Thống Tham Đốc Hoan quận công Hồ Hữu Nhân. Hồ Hữu Nhân là người có công lao
trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh và là người lập nên làng Phú Đa. Đền thờ
của ông cũng là nơi thờ tổ tiên họ Hồ và một số bậc tiên liệt đã được sử sách
nêu gương. Suốt mấy thế kỉ đền thờ đã được sử sách nêu gương. Suốt mấy thế kỉ
đền thờ đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và di duệ
Quận Công Hồ Hữu Nhân. Năm 1999, di tích khu Mộ vàĐền thờ đã được Bộ Văn hóa
Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.
Hàng năm, lễ hội đền thờ Hồ Hữu Nhân được tổ chức từ ngày
14-21 tháng giêng âm lịch. Đứng lại di tích, phóng tầm mắt ra bốn phía thấy núi
non, sông biển. Phía tây bắc có núi Trụ Hải (Quỳnh Văn) giống như một chiếc tán
mà cách đó không xa là những di chỉ thuộc nền văn hóa Quỳnh Văn nổi tiếng. Phía
tây nam có núi Hiền Hoa, bên phải núi có di chỉ Đồi Thần, bên trái có di chỉ
văn hóa Đông Sơn Trại Ổi. Phía Bắc có dãy núi Xước chìm trong sương sớm. Phía đông
nam có hòn Bảng lung linh rực sáng trong ánh bình minh. Phía tây nam có dòng
Mai Giang uốn khúc, nước trong xanh hiền hòa. Phía đông cách di tích khoảng 1
km là biển cả bao la đêm ngày sóng vỗ...
Mới đây dân làng Phú Đa đã đóng góp gần 100 triệu để trùng
tu xây dựng một số hạng mục ở khu mộ và đền. Các đồ tế khí vẫn còn được nhân
dân lưu giữ nhằm giáo dục cho con cháu luôn nhớ đến cội nguồn...
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Quỳnh Bảng đang lập hồ sơ xin mở
rộng diện tích để xây dựng khu du lịch-thương mại, quy hoạch khai thác vùng núi
đá Quy Lĩnh thành điểm du lịch, phục chế lại đường hầm trong lòng núi, xây dựng
tượng đài chiến thắng 3/2 trên đỉnh núi, nhà văn hóa đa chức năng gắn liền với
sân vận động, du nhập một số nghệ như mây tre đan, tạo ra mặt hàng lưu niệm
ngay tại quê hương Quỳnh Bảng.
ĐẢNG ỦY-UBND XÃ QUỲNH BẢNG
Nguồn: Trang thông tin
điện tử xã Quỳnh Bảng (10/4/2011)
|