XÃ TÂN SƠN
HUYỆN QUỲNH LƯU, TỈNH NGHỆ AN
Tân sơn là xã miền núi, cách trung tâm huyện 20 km về phía
Tây Nam, cách biển Đông 40km.
Phía tây giáp huyện Nghĩa Đàn và huyện Tân Kỳ, phía nam giáp huyện Yên Thành,
phía đông giáp xã Quỳnh Tam, phía bắc giáp xã Quỳnh Châu.
Xã có tổng diện tích tự nhiên 3.058 ha;
có 843 ha đất sản xuất Nông nghiệp; trong đó 304.4 ha diện tích lúa, màu; 1620
ha rừng và đất rừng, còn lại ao hồ và đất thổ cư. Dân số tính đến hết năm 2013
là 9025 người, 1924 hộ gia đình, 10 thôn.
Đảng bộ có 250 đảng viên, sinh hoạt ở 14
chi bộ (03 chi bộ Giáo dục, 01 chi bộ trạm Y tế
và 10 chi bộ nông thôn). Nhiều năm liền được cấp trên công nhận Đảng bộ
đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, HĐND, UBND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã
hội đạt danh hiệu tiên tiến, vững mạnh, xuất sắc.
Xã Tân Sơn được hình thành trên hai
làng Xuân Thọ và Nghĩa Môn từ khoảng thế kỷ XV, nằm dưới chân dãy Hòn Sượng và
ven dãy Ba Xanh, Ba Quanh. Làng Xuân Thọ thuộc tổng Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu;
làng Nghĩa Môn thuộc tổng Quy Trạch, huyện Yên Thành. Cách mạng tháng Tám thành
công, làng Xuân Thọ được sáp nhập vào xã Tam Xuân, huyện Quỳnh Lưu, làng Nghĩa
Môn cùng các làng Yên Định, Phúc Trạch hợp thành xã Đức Thành, huyện Yên Thành.
Đến năm 1954, các làng Xuân Thọ, Nghĩa Môn, Quang Phong, huyện Diễn Châu sáp
nhập thành xã Quỳnh Tam. Vào những năm 1964 đến năm 1967 theo chủ trương của nhà
nước, các xã miền xuôi, ven biển tình nguyện lên xây dựng kinh tế mới ở miền quê
này. Ngày 19 tháng 9 năm 1981, theo Quyết định số 76/HĐBT của Hội đồng Bộ
trưởng, xã Quỳnh Tam tách thành 2 xã là Quỳnh Tam và Tân Sơn.
Những năm đầu thành lập chúng ta gặp bộn bề khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của
Đảng bộ, sau hơn 30 năm xây dựng đến nay, Tân Sơn là điểm sáng của huyện về
thâm canh tăng vụ, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính với các loại rau, qủa
an toàn có giá trị kinh tế cao; một trong những đơn vị dẫn đầu huyện về quản
lý, bảo vệ và phát triển rừng, đưa giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất. Tân Sơn
cũng là một trong những xã đi đầu trong việc đưa điện lưới quốc gia, điện thoại
về xã, là xã miền núi đầu tiên của huyện có 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia, xã
đạt chuẩn quốc gia về Y tế, 8/10 thôn được công nhận làng văn hóa. Riêng năm
2013, tổng giá trị sản xuất (giá thực tế) 154 tỷ 433,3 triệu đồng, tốc độ tăng
trưởng kinh tế 15,3% bằng 114% kế hoạch. Trong đó: Nông nghiệp 71 tỷ 863,3
triệu đồng, chiếm 46,53%; Công nghiệp - Xây dựng 28 tỷ 088 triệu đồng, chiếm
18,19%; Thương mại - Dịch vụ 54 tỷ 482 triệu đồng, chiếm 35,28%. Đạt 18,23
triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2010 (năm 2010 là 10,5 triệu
đồng).
Hơn ba mươi năm qua, bằng bàn tay, trí óc của những con người chịu thương,
chịu khó, cần cù, chăm chỉ nhưng cũng rất đỗi thông minh, quê hương Tân Sơn đã
thực sự có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Nhân dân phấn
khởi hăng hái lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới, tính tự lập, tự cường
được khơi dậy. Vị thế của xã đang đổi thay từng ngày, đời sống nhân dân ngày càng
ấm no hạnh phúc hơn; bộ mặt nông thôn mới hiện đại đã được hình thành và ngày
một phát triển. Xã đã đạt 14/19 tiêu chí về Nông thôn mới và là 01 trong 90 xã
được UBND tỉnh Nghệ An chọn xây dựng đạt xã chuẩn Nông thôn mới vào năm 2015.
Bước vào chặng đường mới, viết tiếp những trang sử mới, với ý chí và niềm
tin, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Sơn nguyện đoàn kết, phát huy thành
tích đã đạt được, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, vượt qua khó khăn thử
thách, ra sức xây dựng quê hương vươn tới những đỉnh cao mới. Phát huy thành
quả đã đạt được, giữ vững truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, dân chủ, sáng
tạo trong lao động, kiên định mục tiêu của Đảng, lấy phát triển kinh tế làm
trọng tâm, xây dựng Đảng làm then chốt, để Đảng gần dân, dân tin Đảng. Đồng
thời phát huy tinh thần thống nhất của cả hệ thống chinh trị, tạo nên sự đồng
thuận, trên dưới một lòng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đưa Tân Sơn sớm trở
thành xã đạt chuẩn Nông thôn mới, góp phần cùng toàn huyện và cả nước thực hiện
thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Mọi thông tin xin liên hệ số điện thoại Văn phòng
UBND xã: 038.3648.305.
|