Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
là cuộc vận động lớn, là nội dung cơ bản trong xây dựng đời sống văn hóa tinh
thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội, giữ
vững an ninh - quốc phòng Phong trào đã
và đang được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm
lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, được nhân dân, cán bộ công chức hưởng ứng
và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, có sức lan toả mạnh mẽ đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Đ/c Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND huyện và Đ/c
Hồ Ngọc Dũng, PCT- UBND huyện Trao
bằng công nhận “Làng Văn hóa” cho các thôn, bản, khối phố giai đoạn 2011-2013
Trong quá trình triển khai thực hiện,
Chính quyền, MTTQ và ban, ngành, đoàn thể các cấp đã bám sát vào Nghị quyết của
cấp uỷ, các chủ trương, chính sách của cấp trên để xây dựng kế hoạch, chương
trình hành động cụ thể và tổ chức triển khai đến tận các khu dân cư, từng chi
hội, chi đoàn; trên cơ sở phát huy tinh thần tập trung dân chủ, chỉ đạo phát
triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân làm nền tảng; xây dựng cơ sở vật
chất như nhà văn hoá, khu vui chơi giải trí, đường làng ngõ xóm, các hoạt động
văn hoá, thể thao làm cơ sở; xây dựng khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh và
huy động mọi nguồn lực của nhân dân làm trọng tâm để xây dựng đời sống văn hoá;
lấy vai trò lãnh đạo của chi uỷ chi bộ, ban công tác Mặt trận và các đoàn thể
quần chúng, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, lớp người cao
tuổi, các dòng họ, cá nhân tiêu biểu làm nòng cốt trong việc đóng góp cả vật
chất lẫn tinh thần, đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn xã hội. Không
những thế, công tác tuyên truyền cũng luôn được chú trọng, bằng nhiều hình thức
phong phú, đa dạng thông qua hệ thống truyền thanh- truyền hình, cổ động trực
quan, sân khấu hoá qua các hội thi, hội diễn, toạ đàm giao lưu, gặp mặt…
Sau 16 năm thực hiện phong trào, đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân được nâng lên, cơ sở vật chất được tăng cường, các hoạt
động văn hóa, thông tin, thể thao phát triển mạnh mẽ, các giá trị văn hóa
truyền thống được bảo tồn và phát huy; phong trào xây dựng GĐVH được chú trọng
phát triển cả lượng và chất, nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng gia
đình văn hóa, làng văn hóa được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ GĐVH đạt 78,1% (tăng
1,6% so cùng kỳ năm 2012); 271/406 thôn, bản, khối phố đạt danh hiệu “Làng văn
hóa” giai đoạn 2011-2013, chiếm tỷ lệ 66,7% (tăng 4,4% so với giai đoạn
2008-2010), trong đó, một số xã có 100% thôn
được công nhận làng văn hoá và liên tục giữ vững danh hiệu như Quỳnh Đôi, Quỳnh
Hậu, Q. Nghĩa, Q. Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Diện… Nhiều điển hình làng văn hoá
tiêu biểu: thôn Nghĩa Phú (Q. Nghĩa), thôn Tiến Thành (Q. Thắng), thôn 3 (Q.
Hậu), thôn 7 (Q. Thạch), thôn Phú Thành (Q. Long), thôn 5 (Quỳnh Đôi)… từ đó,
đã tạo dựng được nền tảng vững chắc trong việc xây dựng làng văn hoá.
Phong trào giáo dục thể chất trong trường học được duy trì hoạt động tốt. Toàn
huyện, có 22,7% gia đình thể thao, 58 câu lạc bộ thể thao (trong đó có 33 CLB
dưỡng sinh) ở 33 xã, thị trấn hoạt động thường xuyên, có hiệu quả; 50 tổ liên
gia đạt tiêu chuẩn10 không, 52 dòng họ tiêu biểu, nhiều thôn không có người
sinh con thứ 3; 94 cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa (trong đó có
06 cơ quan xã: Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu, Ngọc Sơn, Quỳnh Diện, Quỳnh Bảng, thị trấn
Cầu Giát).
Qua đó, phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau
xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng được phát triển rộng khắp. Đã vay và
huy động hàng chục tỷ đồng vốn xóa đói giảm nghèo. Riêng năm 2013 đã có 789 Lao
động đi xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, thu nhập bình quân đầu người trên 19 triệu đồng/năm,
đưa tỷ lệ còn 7,5% (giảm 2% so với năm 2012). Nhiều hộ
gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư kinh doanh thu nhập hàng trăm triệu
đồng/năm ở các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hưng…
Phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc
lợi công cộng, đường GTNT phát triển mạnh mẽ trong các cộng đồng dân cư. Trên
cơ sở thực hiện Quy chế dân chủ và quy ước làng văn hóa, nhân dân đã bàn bạc và
quyết định hiến đất làm mới trên 100 km đường giao thông nông thôn, trị giá
trên 120 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 105 tỷ đồng), tiêu biểu Quỳnh Hậu,
Quỳnh Đôi, Quỳnh Thạch, Ngọc Sơn, Quỳnh Lương, Quỳnh Diện, Tân Sơn…; các địa
phương đã quan tâm đầu tư ngân sách và đất để xây dựng, nâng cấp sân vận động, hệ thống truyền thanh, nhà văn hoá gắn các tiêu
chí xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện, có 01 xã đạt 17/19 tiêu
chí, 03 xã đạt 15/19 tiêu chí và 05 xã đạt 13-14/19 tiêu chí; 368/406 thôn,
bản, khối phố có nhà văn hóa, đạt 90,6%; (trong đó có 25 xã đã hoàn thành 100%
nhà văn hóa thôn, bản, khối phố). Từ đó nâng chất lượng các hoạt động văn hóa,
hội họp thôn, bản và các tổ chức quần chúng ở cơ sở.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư,
đơn vị, cơ quan, trường học, xây dựng nếp sống văn hóa ở nơi công cộng và cảnh
quan môi trường xanh- sạch - đẹp được tổ chức thực hiện tốt ở nhiều cơ sở. Có
100% thôn, bản, khối phố có hương ước, qui ước được UBND huyện phê duyệt. Qui
ước thôn, bản đã góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách
của Đảng, pháp luật của nhà nước và quy định của địa phương, an ninh trật tự
được đảm bảo. Việc cưới, việc tang và lễ hội thực hiện tốt theo nếp sống văn
hóa. Những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình và cộng đồng được hòa giải kịp thời,
thấu tình, đạt lý ngay tại khu dân cư.
Hoạt động sáng tạo nghệ thuật, phong trào văn nghệ quần
chúng đã có nhiều chuyển biến tích cực và được xã hội hóa ngày càng cao. Sự
nghiệp giáo dục đào tạo nhiều năm liền giữ vững danh hiệu tiên tiến xuất sắc
của tỉnh; công tác y tế, vệ sinh môi trường luôn được cấp uỷ, chính quyền các địa
phương quan tâm.
Bên cạnh đó, Huyện luôn
quan tâm ban hành những cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời việc xây
dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, thể
thao ở cơ sở, tổng trị giá trên 2,7 tỷ đồng như: Hỗ trợ 25 triệu đồng cho 25 xã
hoàn thành 100% nhà văn hoá thôn, bản, khối phố, 360 triệu đồng cho 18 xã có thiết
chế VHTT-TT đạt chuẩn, 40 triệu cho 02 xã hoàn thành đường GTNT, 290 triệu đồng
cho 23 di tích được xếp hạng (trong đó 15 triệu đồng di tích cấp Quốc gia và 10
triệu đồng di tích cấp tỉnh), 350 triệu đồng nâng cấp hệ thống Truyền thanh,
100 triệu đồng nâng cấp sân vận động, 200 triệu đồng tu bổ 04 di tích, 600
triệu xây dựng 04 nhà văn hóa xã, 200 triệu xây dựng nhà văn hóa thôn vùng
giáo, 450 triệu đồng xây dựng cổng chào tuyên truyền…
Từ những thành quả trên, có thể khẳng định,
phong trào “TDĐKXDĐSVH” mà trọng tâm là xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn
hóa” là phù hợp với ý Đảng, lòng dân, ý nguyện của quần chúng nhân dân, là mục
tiêu, là động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển, quốc phòng - an ninh giữ
vững, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhằm xây
dựng Quỳnh Lưu sớm trở thành huyện điểm văn hóa vào năm 2015, phấn đấu vì mục tiêu: “Dân
giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Hồ Thanh Khương
UBND huyện Quỳnh Lưu
|