image banner
Làng nghề nước mắm truyền thống Quỳnh Lưu nhộn nhịp vào vụ Tết

Để kịp cung ứng sản phẩm nước mắm truyền thống cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hiện nay các cơ sở, làng nghề tại huyện Quỳnh Lưu đang tập trung cao cho vụ sản xuất với mong muốn có một cái Tết ấm no, xum vầy hơn những năm trước.

Trong tiết trời giá rét của những ngày cuối đông, chúng tôi tìm về thôn Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu – nơi có nghề sản xuất nước mắm truyền thống lâu đời. Đi dọc các con đường nhỏ quanh co trong khu dân cư mới cảm nhận được hết mùi thơm đặc trưng của nước mắm mang thương hiệu “Tân An”.

Anh-tin-bai

Toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 500 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 4 – 5 triệu lít.

Để có đủ số lượng nước mắm mang thương hiệu Nghĩa Nam chất lượng nhất phục vụ người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, việc chuẩn bị từ khâu chế biến nước mắm cho đến đóng chai thành phẩm được gia đình ông Dương Hà Nam chuẩn bị từ vài tháng trước. Những ngày này, gia đình tập trung toàn bộ nhân lực khoảng 4 lao động để chiết nước mắm ra từ các bể, đóng chai, dán nhãn, đóng thùng để xuất hàng cho các thương lái phân phối đến các đại lý phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.

Anh-tin-bai

Ông Dương Hà Nam - chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Nghĩa Nam, thôn Tân An, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) đang tất bật vào vụ Tết.

Ông Nam cho biết: “Bình quân mỗi năm, gia đình sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng trên 15.000 lít nước mắm tương đương với việc giải phóng hơn 30 tấn cá nguyên liệu; riêng trong dịp Tết nguyên đán, do nhu cầu sử dụng tăng cao nên mỗi tháng bán ra thị trường 3.000 – 4.000 lít nước mắm. Để đáp ứng nhu cầu làm quà biếu dịp tết, gia đình tiến hành đóng chai lọ đựng nước mắm bằng thủy tinh để thay thế bằng chai nhựa; đồng thời đưa ra nhiều mẫu mã như thùng quà tặng 5 lít, 10 lít hay giỏ quà 1 lít, 2 lít... đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Nhờ đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã đẹp mắt, bắt nhịp nhanh với nhu cầu của thị trường, sản phẩm nước mắm của gia đình ngày càng nhận được sự quan tâm và đón nhận của khách hàng”.

Anh-tin-bai

Cơ sở sản xuất nước mắm của chị Đỗ Thị Tiến Thủy, xã Quỳnh Thuận đang làm tăng ca để kịp các đơn hàng.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Nhờ có bí kíp riêng nên nước mắm truyền thống của cơ sở chị Thủy bán chạy trong dịp Tết.

Làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Tân An, xã An Hòa hiện có khoảng 80 hộ sản xuất, trong đó có trên 20 hộ có quy mô lớn. Mỗi năm làng nghề sản xuất ra từ 600.000 lít nước mắm các loại, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng. Bình quân mỗi lao động có mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ đã công bố và trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nước mắm truyền thống Tân An, xã An Hòa. Từ đó đến nay, thương hiệu nước mắm truyền thống Tân An ngày càng được khách hàng nhiều nơi biết đến, nhờ đó sản lượng nước mắm cung cấp ra thị trường tăng lên rõ rệt, thu nhập của người dân được nâng cao.

Đối với gia đình chị Đỗ Thị Tiến Thủy, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Huy Thủy ở xã Quỳnh Thuận, đây cũng là thời điểm bận rộn nhất trong năm. Nếu bình quân mỗi tháng, gia đình chị tiêu thụ khoảng 1.000 lít nước mắm thì vào dịp giáp Tết, số lượng mắm tiêu thụ tăng lên 1.500 lít. Do vậy, gia đình phải làm tăng ca mới kịp đơn hàng. Mặc dù các đơn hàng tăng đột biến những tháng cuối năm, nhưng tất cả các khâu chế biến luôn được chị Thủy thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Để làm nên những giọt nước mắm có vị đậm đà, thơm ngon mang đặc trưng riêng, khâu chọn cá để ủ mắm được cho là quan trọng nhất. Nguyên liệu chính mà gia đình chủ yếu sử dụng là cá cơm phải thật tươi. Muối sử dụng cũng phải là loại muối biển sạch, được cất giữ một thời gian ở nơi khô ráo cho hết vị chát. Khi muối cá cho thêm vào chượp thính rang cháy để tạo màu và thêm một lượng dứa để làm cho nước mắm có vị thơm ngon hơn. Với cách làm truyền thống, quá trình phân rã cá tự nhiên kéo dài từ 20 - 24 tháng, tùy thuộc vào từng loại cá, thời gian ngâm ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon”, chị Thủy chia sẻ.

Anh-tin-bai

 Nghề sản xuất nước mắm truyền thống tạo thu nhập ổn định cho người dân các xã ven biển Quỳnh Lưu

Anh-tin-bai

Nước mắm truyền thống Quỳnh Lưu thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 4 – 5 triệu lít phục vụ nhân dân trong tỉnh và cả nước. Trong đó có một số cơ sở, làng nghề nước mắm truyền thống khá nổi tiếng như: Tân An xã An Hoà; Phú Nghĩa xã Quỳnh Nghĩa; nước mắm 559 Quỳnh Lưu; nước mắm Dũng Loan, xã Quỳnh Thọ; Huy Thủy xã Quỳnh Thuận…

Anh-tin-bai

Khách hàng thu mua nước mắm để phân phối đi các nơi.

Ông Bùi Xuân Trúc – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Để phát triển nghề nước mắm truyền thống, thời gian qua các địa phương đã quan tâm, khuyến khích những cơ sở, làng nghề áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển làng nghề, đào tạo lao động.. Nhờ có hướng đi phù hợp, các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở Quỳnh Lưu phát triển tương đối ổn định, duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động”.

Việt Hùng

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement